Huyệt Phong Trì

Huyệt Phong Trì là một huyệt quan trọng thuộc kinh Đởm, thường được ứng dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, cơ xương khớp và tuần hoàn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về huyệt đạo, bao gồm vị trí, cách xác định và các kỹ thuật tác động như châm cứu, bấm huyệt. 

Huyệt Phong Trì là gì?

Huyệt Phong Trì (ký hiệu GB20) là một huyệt đạo quan trọng trong Y học cổ truyền, các đặc điểm tổng quan của huyệt được ghi chép trong Y thư cổ như sau:

  • Nguồn gốc: Huyệt được ghi nhận trong chương ‘Nhiệt Bệnh’ (Linh Khu, thiên 23).
  • Ý nghĩa tên gọi: “Phong” nghĩa là gió và “Trì” nghĩa là ao, ám chỉ vị trí hõm giống như ao, nơi được coi là điểm phong tà (tác nhân gây bệnh từ gió) dễ xâm nhập vào cơ thể.
  • Đặc điểm: Đây là huyệt thứ 20 thuộc kinh Đởm, đồng thời là điểm giao hội giữa kinh Đởm và mạch Dương Duy.

Vị trí huyệt Phong Trì

Huyệt nằm ở chỗ lõm phía sau gáy, giữa bờ trong của cơ ức đòn chũm và bờ ngoài của cơ thang, ngay dưới đáy hộp sọ. Có 2 huyệt Phong Trì nằm đối xứng nhau qua đốt sống cổ.

Huyệt Phong Trì nằm ở chỗ lõm phía sau gáy
Huyệt Phong Trì nằm ở chỗ lõm phía sau gáy

Để xác định chuẩn xác huyệt sẽ thực hiện 3 bước như sau:

  • Bước 1: Xòe lòng bàn tay và đặt phần hõm giữa lòng bàn tay lên đỉnh hai tai.
  • Bước 2: Các ngón tay ôm chặt đỉnh đầu, ngón cái hướng về phía sau gáy.
  • Bước 3: Vuốt dọc hai ngón cái xuống dưới qua một ụ xương, đến chỗ lõm giữa hai khối cơ nối ở sau gáy, đó là huyệt Phong Trì.

Giải phẫu vị trí:

  • Nằm ở vùng giao nhau giữa cơ thang và cơ ức – đòn – chũm. Phần đáy của huyệt được tạo thành bởi cơ gối đầu và cơ đầu dài, sát đáy hộp sọ.
  • Hoạt động của các cơ tại vị trí này do nhánh thần kinh cổ 2, thần kinh chẩm lớn và thần kinh dưới chẩm đảm nhiệm.
  • Da ở vùng này thuộc sự chi phối của tiết đoạn thần kinh C3.

Tác dụng của huyệt đạo Phong Trì đối với sức khỏe

Huyệt Phong Trì được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt liên quan đến vùng đầu, cổ và hệ thần kinh, bao gồm:

  • Vấn đề vùng đầu và não: Huyệt Phong trì có tác dụng trị rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu lên não, đau đầu mãn tính hoặc đau nửa đầu kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, chóng mặt, suy giảm trí nhớ,…
  • Bệnh vai gáy và cột sống: Huyệt giúp chữa đau vai gáy thường gặp ở người ngồi lâu hoặc làm việc nặng nhọc, tổn thương dây thần kinh cổ số 2 gây đau ở khu vực đốt sống cổ, đau lưng cấp/mãn tính,…
  • Bệnh thần kinh: Hỗ trợ cải thiện các rối loạn như tiền đình kém, đau dây thần kinh chẩm, dây thần kinh tam thoa (số V) hoặc liệt dây thần kinh mặt (số VII),…
  • Các bệnh lý về mắt: Tác động vào huyệt đạo hỗ trợ trị liệu các vấn đề về mắt như viêm kết mạc, đau mắt, nhức mỏi mắt, giảm thị lực,…
  • Cảm mạo, sốt: Day bấm huyệt này giúp giải biểu, khu phong, thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị cảm mạo, sốt.
  • Một số bệnh lý khác: Huyệt Phong Trì có có khả năng giảm ù tai, run rẩy chân tay, tê bì hoặc co rút các cơ chi,…
Tác động vào huyệt giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý
Tác động vào huyệt giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý

Phương pháp khai thông huyệt

Trong Y học cổ truyền, huyệt Phong Trì được khai thông bằng 2 phương pháp chính là châm cứu và bấm huyệt, kỹ thuật như sau:

 Châm cứu huyệt:

  • Người thực hiện: Việc châm cứu cần được thực hiện bởi các bác sĩ Y học cổ truyền hoặc các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản.
  • Tư thế bệnh nhân: Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể.
  • Dụng cụ: Kim châm phải được tiệt trùng để đảm bảo an toàn, tránh nhiễm trùng.
  • Kỹ thuật thực hiện: Kim được châm thẳng đứng hoặc hơi chếch vào huyệt, độ sâu khoảng 0.5 – 1 thốn (tương đương 1.5 – 3cm).
  • Thời gian lưu kim: Thời gian lưu kim thường từ 15 – 30 phút, có thể kết hợp với các kỹ thuật kích thích như xoay kim, rung kim.

Bấm huyệt:

  • Người thực hiện: Thực hiện bởi chính người bệnh hoặc những người nắm rõ kỹ thuật bấm huyệt.
  • Tư thế bệnh nhân: Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể tương tự khi châm cứu.
  • Kỹ thuật thực hiện: Đặt ngón tay (ngón tay cái hoặc ngón tay giữa) lên huyệt, day ấn nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ. Lực đạo vừa phải, không nên ấn quá mạnh, chỉ cần tạo cảm giác căng tức nhẹ tại chỗ.
  • Thời gian: Day bấm huyệt trong khoảng 2 – 3 phút, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.
Châm cứu huyệt cần được thực hiện bởi chuyên gia
Châm cứu huyệt cần được thực hiện bởi chuyên gia

Hướng dẫn phối huyệt Phong Trì trị bệnh

Để tăng hiệu quả cải thiện sức khỏe, huyệt Phong Trì sẽ được kết hợp cùng các huyệt đạo tương hợp như:

  • Phối với huyệt Hành Gian + huyệt Tình Minh + huyệt Túc Tam Lý + huyệt Hợp Cốc: Điều trị thần kinh ổ mắt bị viêm.
  • Phối với huyệt Hợp Cốc + huyệt Ty Trúc Không: Điều trị đau đầu, chóng mắt, suy nhược cơ thể.
  • Phối cùng huyệt Ty Trúc Không + huyệt Tình Minh + huyệt Thái Dương + huyệt Toàn Trúc + huyệt Hợp Cốc: Điều trị đau mắt và sưng đỏ.
  • Phối cùng huyệt Hợp Cốc + huyệt Bá Hội + huyệt Ngọc Chẩm: Điều trị bệnh đau đầu.

Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích về huyệt Phong Trì. Bên cạnh việc tìm hiểu về lợi ích, người bệnh cần lưu ý tuân thủ hướng dẫn từ chuyên gia khi tác động vào huyệt vị này để đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *