Viêm Da Cơ Địa

Viêm da cơ địa là một bệnh lý da liễu mãn tính thường gặp, gây ra tình trạng ngứa ngáy, viêm đỏ và khô da. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ cũng như gây khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa (eczema) là một bệnh lý mãn tính của da, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm, ngứa ngáy và khô da. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường bắt đầu từ trẻ em và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Cơn ngứa dữ dội và các vết viêm đỏ có thể làm người bệnh cảm thấy khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.

Viêm da cơ địa là tình trạng ửng đỏ, ngứa và bong tróc da
Viêm da cơ địa là tình trạng ửng đỏ, ngứa và bong tróc da

Nguyên nhân nào gây khởi phát viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, bao gồm yếu tố di truyền, môi trường và các tác nhân kích thích từ bên ngoài.

  • Yếu tố di truyền: Những người có tiền sử gia đình bị viêm da cơ địa, dị ứng hay các bệnh lý da liễu khác có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Bệnh thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, phản ứng với các yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, virus hay các tác nhân dị ứng, gây viêm nhiễm trên da.
  • Tác động từ môi trường: Thời tiết khô hanh, nóng ẩm, ô nhiễm không khí hay tiếp xúc với các chất hóa học từ mỹ phẩm, xà phòng cũng có thể kích thích bệnh khởi phát. Ngoài ra, bụi, nấm mốc và phấn hoa cũng là những tác nhân gây bệnh.
  • Dị ứng thực phẩm: Các dị ứng thực phẩm như đậu phộng, sữa, trứng và hải sản có thể kích thích phản ứng dị ứng trên da, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Căng thẳng và stress: Khi cơ thể chịu stress, hệ thống miễn dịch sẽ suy giảm và dễ dàng phản ứng quá mức với các tác nhân từ môi trường, gây ra các vết viêm đỏ, ngứa và khó chịu trên da.
  • Chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Các thói quen như ăn uống thiếu dinh dưỡng, không ngủ đủ giấc, hay thiếu hoạt động thể chất có thể khiến cơ thể không đủ sức khỏe để chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đối tượng bị viêm da cơ địa

Những trường hợp được chẩn đoán có nguy cơ mắc bệnh cao nhất phải kể tới gồm:

  • Trẻ em là, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
  • Trong gia đình có ông bà, cha mẹ, người bị viêm da cơ địa.
  • Người có da nhạy cảm, dễ kích ứng hoặc có tiền sử dị ứng (như hen suyễn, viêm mũi dị ứng).
  • Những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp hoặc đang trong tình trạng căng thẳng kéo dài.

Triệu chứng của viêm da cơ địa

Bệnh sẽ có những dấu hiệu rất rõ ràng như sau:

  • Cảm giác ngứa thường xuất hiện phổ biến nhất là ở khuỷu tay, đầu gối, cổ, mặt và bàn tay. Ngứa sẽ trở nên dữ dội, đặc biệt vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh.
  • Da bị viêm thường xuyên khô và dễ bị nứt nẻ. Da có thể xuất hiện vết đỏ hoặc các mảng da bong tróc.
  • Da xuất hiện các vết mẩn đỏ hoặc sưng tấy. Vết sưng có thể lan rộng và gây cảm giác khó chịu.
  • Nếu bệnh tiến triển nặng, mụn nước dễ xuất hiện, đặc biệt là ở những vùng da có nhiều nếp gấp. Mụn nước vỡ ra, làm lộ lớp da non bên trong, gây ra cảm giác đau rát và ngứa ngáy. Sau đó, da có thể bị tróc, dẫn đến tình trạng da mỏng, dễ tổn thương.
Bệnh làm da khô, tróc vảy và đỏ ngứa
Bệnh làm da khô, tróc vảy và đỏ ngứa

Viêm da cơ địa có phải bệnh nguy hiểm không?

Mặc dù viêm da cơ địa không phải là một căn bệnh nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể phát triển và gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Việc không kiểm soát triệu chứng có thể dẫn đến:

  • Làm suy giảm chất lượng sống: Ngứa ngáy và khó chịu có thể làm giảm hiệu quả công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
  • Dễ tái phát: Viêm da cơ địa có xu hướng tái phát sau khi điều trị, nếu không thực hiện chế độ chăm sóc đúng cách hoặc tránh tiếp xúc với tác nhân kích thích.

Chẩn đoán viêm da cơ địa

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để kiểm tra các vết thương, mảng đỏ và mức độ tổn thương trên da. Bệnh nhân cần cung cấp các yếu tố gia đình, tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm da (ví dụ: kiểm tra dị ứng da) hoặc xét nghiệm máu để xác định các yếu tố gây viêm hoặc phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phải lúc nào cũng cần thiết, chỉ áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Điều trị viêm da cơ địa

Để loại bỏ các dấu hiệu tổn thương do viêm da cơ địa gây nên, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:

Thuốc Tây trị viêm da cơ địa

Thuốc Tây y trị viêm da cơ địa chủ yếu giúp giảm viêm, kiểm soát ngứa ngáy và ngăn ngừa các đợt bùng phát của bệnh. Các loại thuốc này có thể được chia thành hai nhóm chính: thuốc bôi và thuốc uống.

Thuốc bôi:

  • Corticosteroid: Giúp giảm viêm, làm dịu cơn ngứa và giúp da phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài có thể gây ra mỏng da, dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, các bác sĩ thường chỉ định sử dụng corticosteroid trong thời gian ngắn hoặc theo đợt điều trị.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Tacrolimus, Pimecrolimus giúp giảm viêm da và không gây mỏng da. Tuy nhiên, thuốc này cần được sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ như bỏng rát hay viêm nhiễm.
  • Kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm đặc biệt chứa ceramide, hyaluronic acid hay dầu tự nhiên có thể giúp duy trì độ ẩm cho da, ngăn ngừa khô da và cải thiện khả năng tái tạo da.

Nhóm thuốc uống:

  • Thuốc kháng histamin: Ví dụ như loratadine hoặc cetirizine, được sử dụng để giảm ngứa do viêm da cơ địa. Thuốc này cho hiệu quả ngăn ngừa phản ứng dị ứng và giảm ngứa tốt.
  • Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân: Trong trường hợp viêm da cơ địa nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định methotrexate, cyclosporine.
Thuốc Tây y thường cho hiệu quả điều trị nhanh chóng
Thuốc Tây y thường cho hiệu quả điều trị nhanh chóng

Thuốc Đông y

Thuốc Đông y từ lâu đã được ứng dụng phổ biến bởi tính an toàn cao, thích hợp cho nhiều đối tượng bệnh nhân, giúp đi sâu vào căn nguyên gây viêm da cơ địa.

Một số bài thuốc gồm:

Tiêu phong tán

  • Thành phần: Khổ sâm 10g, sinh địa 12g, sài đất 12g, đương quy 10g, ngưu bàng tử 8g, hương truật 12g, thổ phục linh 12g, cam thảo 4g, phòng phong 8g.
  • Cách sử dụng: Nấu thuốc với 2 lít nước đến khi phần nước cạn còn 1 bát. Chia thuốc làm 3 phần và hãy uống hết ngay trong ngày.

Bài thuốc tán độc bổ huyết

  • Thành phần: Mạch đông 20g, đan sâm 10g, rau má 30g, liên kiều 10g, trúc diệp 20g, sài đất 10g.
  • Cách sử dụng: Thuốc đem rửa sạch rồi cho vào ấm sắc với 4 bát nước. Thu về 1 bát con và uống nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Các bài thuốc Đông y đi sâu vào căn nguyên gây bệnh
Các bài thuốc Đông y đi sâu vào căn nguyên gây bệnh

Mẹo dân gian

Trong dân gian lưu truyền khá nhiều công thức giúp giảm các triệu chứng khó chịu của viêm da cơ địa. Ví dụ như:

  • Tắm nước lá trầu: Trầu không có tính kháng khuẩn, chống viêm và làm dịu da, giúp giảm ngứa và mẩn đỏ hiệu quả. Lấy một nắm lá trầu không bánh tẻ, rửa sạch và đun sôi với nước. Tắm hàng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Mật ong và nghệ: Mật ong có tính kháng khuẩn và làm lành vết thương, trong khi nghệ tươi giúp giảm viêm và làm sáng da. Trộn mật ong với nghệ tươi đã nghiền nát, đắp lên vùng da bị viêm da cơ địa trong 15-20 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
  • Dưa leo: Loại quả này có khả năng làm dịu da, giảm ngứa và giảm sưng viêm. Lọc nước cốt dưa leo và bôi lên da trong 15-20 phút mỗi ngày.
Nghệ và mật ong là sự kết hợp rất tốt để làm dịu viêm da
Nghệ và mật ong là sự kết hợp rất tốt để làm dịu viêm da

Phòng tránh viêm da cơ địa

Để hạn chế xảy ra viêm da cơ địa, nên có các biện pháp chăm sóc như sau:

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc dầu tự nhiên để cấp ẩm cho làn da. Tắm nước ấm, tránh nước nóng làm khô da.
  • Chọn sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ, không chứa hóa chất.
  • Tránh tiếp xúc với các dị nguyên thường gặp như phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn. Tránh ở các môi trường thay đổi nhiệt độ quá lớn.
  • Ăn thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, hạt chia), rau củ quả giàu vitamin E và C, uống đủ nước.
  • Ngủ đủ giấc hàng ngày để cơ thể nạp đủ năng lượng. Tham gia các hoạt động giải trí yêu thích giúp tinh thần thoải mái hơn.
  • Sử dụng quần áo có chất liệu vải cotton mềm mại và thoáng khí. Giặt sạch quần áo và chăn ga, tránh hóa chất mạnh.

Chăm sóc và điều trị viêm da cơ địa đòi hỏi sự kiên trì và đúng cách để giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Việc chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp cùng với chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng da hiệu quả. Người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn một cách chi tiết nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *